Ngày 02/12/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 10124/VPCP-CN gửi Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (Chương trình DPPA thí điểm) theo đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 92/BC-BCT ngày 09/10/2020. Theo đó, Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến Hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (CfD) để cam kết sản lượng và mức giá điện áp dụng trong thời hạn của hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro biến động giá thị trường điện cho khách hàng và hình thức văn bản đối với Chương trình DPPA thí điểm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai thí điểm cơ chế này trong giai đoạn năm 2021 – 2023 với công suất khoảng từ 400 – 1.000 MW, sau đó sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết và chính thức triển khai áp dụng.
Cơ chế DPPA cho phép các doanh nghiệp là các công ty, tập đoàn lớn mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất năng lượng tái tạo (đơn vị phát điện);các giao dịch mua bán điện giữa các bên trong cơ chế DPPA được thực hiện qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; khách hàng được đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện với giá cố định. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh, sản xuất lên 100% – tỷ lệ này hầu như không thể đạt được nếu chỉ đầu tư điện mặt trời áp mái. Điều này rất phù hợp với các công ty, tập đoàn tham gia mạng lưới cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững như RE100, REBA… DPPA cũng phù hợp với các công ty lớn đã cam kết với khách hàng, cổ đông rằng sẽ chỉ mua – sử dụng năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp có chính sách nội bộ quy định về việc sử dụng năng lượng sạch. Khi ký kết hợp đồng DPPA, doanh nghiệp sử dụng điện sẽ được đàm phán về giá mua điện và được hưởng giá điện cố định do hai bên thỏa thuận trong suốt thời gian dài của hợp đồng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ được đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn, tránh các rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai (do tăng giá điện bán lẻ).
Với đơn vị phát điện, cơ chế DPPA giúp nhà đầu tư đạt được ổn định về doanh thu nhờ chốt được các thỏa thuận bao tiêu dài hạn, giảm thiểu các rủi ro về tài chính trong quá trình vận hành, phát triển dự án. Cơ chế DPPA còn cho phép nhà đầu tư đàm phán được mức giá bán điện hấp dẫn (thậm chí có thể cao hơn mức giá hiện tại trên thị trường), cải thiện được khả năng thanh toán và tỷ suất lợi nhuận của dự án. Hơn nữa, khi có hợp đồng DPPA bao tiêu sản lượng, nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như nguồn tín dụng tin cậy từ khách hàng.
Đối với nền kinh tế, DPPA sẽ giúp thu hút các nguồn vốn ngoại, vốn FDI từ các công ty, tập đoàn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để những công ty này mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, góp phần gia tăng cơ hội phát triển kinh tế và tạo việc làm. DPPA cũng được xem là động lực mạnh mẽ để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, hỗ trợ mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Cơ chế DPPA còn giúp giảm sức ép về tài chính cho Chính phủ hoặc ngành điện trong việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo mới hoặc các hợp đồng mua năng lượng tái tạo dài hạn có trợ giá thông qua cơ chế giá FIT. Ngoài ra, cơ chế DPPA còn thể hiện được tầm nhìn, vai trò định hướng của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.
Cơ chế DPPA được áp dụng đầu tiên tại Mỹ vào năm 2008 trên cơ sở đề xuất, thúc đẩy các tập đoàn lớn như Google, Apple, Microsoft… có cam kết sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, DPPA đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với các cách thức thực hiện khác nhau phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Tại Việt Nam, DPPA được xem là bước tiếp theo của cơ chế giá FIT, là giai đoạn chuyển tiếp từ thị trường bán buôn cạnh tranh sang thị trường bán lẻ cạnh tranh, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong thị trường điện.
DPPA là tín hiệu tốt cho cả người sử dụng điện và đơn vị phát điện nhưng một số ý kiến cho rằng, để DPPA thực sự khả thi, cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ… đồng thời cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp… Bên cạnh đó, để vận hành cơ chế DPPA, đơn vị phát điện bắt buộc phải ký một PPA khác với EVN để nối lưới và công suất phát phụ thuộc vào khả năng truyền tải của lưới điện là một trong những thách thức khác của nhà đầu tư. Hiện tại cơ chế DPPA mới bước vào giai đoạn triển khai thí điểm nên hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sau giai đoạn này, các cơ quan ban ngành sẽ có những đánh giá và hoàn thiện cơ chế để DPPA thực sự trở thành bước đột phá trong thị trường điện năng lượng tái tạo nói riêng, thị trường điện Việt Nam nói chung.
Truy cập: bathang.com