Quyết định 11 của Thủ tướng đã tạo ra cơ chế rất tốt thúc đẩy phát triển nhanh ngành điện mặt trời tại Việt Nam, với cơ chế được bán điện thừa lên lưới, rất nhiều hộ dân, doanh nghiệp, nhà máy đã lắp đặt điện mặt trời vừa dùng vừa bán. Có một mô hình vừa dùng vừa bán điện đó là các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, bên dưới làm nông nghiệp còn bên trên thì lợp pin mặt trời, vừa sản xuất điện phục vụ chính nhu cầu của trang trại, vừa bán điện lên lưới tạo thêm nguồn cấp cho lưới điện quốc gia.
Không như điện mặt trời mặt đất (ground – mounted) chỉ sản xuất và bán điện lên lưới đơn thuần, thì điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Với diện tích đất bình quân 1.2 héc ta, có thể đầu tư 1MWp điện mặt trời lắp trên 7000m2 nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, hoặc nuôi bò cao sản, nuôi gà, nuôi heo, nuôi dế… Doanh thu từ tiền điện tiết kiệm được và tiền bán điện đã có thể hoàn vốn cho toàn bộ cơ sở vật chất của trang trại sau 6-8 năm với giá bán điện 8.28 cent như hiện nay, ngoài ra chủ dự án có thể tự phát triển hoặc kết hợp với công ty nông nghiệp để đầu tư sinh lời từ tài sản cơ sở vật chất là nhà có mái che sẵn có.
Điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao phù hợp ở tất cả các tỉnh thành, đấu nối vào đường dây 22KV có ở khắp mọi nơi, vừa có lợi giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương, là mô hình mà các tỉnh thành nên khuyến khích. Kết quả từ mô hình 1MWp mẫu mà Vũ Phong Solar đã tham gia đầu tư để khách hàng có thể tham quan, trong tháng 7/2019 sản xuất được hơn 140MWh điện, quy đổi doanh thu khoảng 300 triệu đồng theo giá 8.28 cent đã ký hợp đồng bán điện, ngoài ra mô hình trồng nấm và các loại cây khác đang triển khai cũng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cao.